Review: Tuổi thơ dữ dội
Tác giả: Phùng Quán
Đọc xong cuốn sách cách đây vài hôm mà mình cứ chần chừ mãi không viết cảm nhận. Thông thường nếu có nhiều điều muốn viết mình sẽ viết luôn một lèo nhưng cuốn sách thưc sự mang lại cho mình cảm giác khác so với những lần thông thường khác. Không phải vì mình không muốn viết hay không biết viết gì mà là vì không biết bắt đầu từ đâu. Một cuốn sách khác biệt với những câu chuyện đan xen, tưởng chừng như rời rạc nhưng lại khiến bạn không thể đặt cuốn sách xuống một cách dễ dàng. Và hơn tất cả là một cái kết mang lại cho bạn nhiều cảm xúc: vừa buồn vừa vui, vừa bi tráng hào hùng nhưng cũng nhiều đau xót, luyến tiếc. Có lẽ vậy mà cảm xúc trong mình cứ cuộn lại, gắn kết với nhau thành một khối tròn trịa, không rõ ràng nặng trĩu trong lòng mấy hôm vừa qua. Muốn viết ra cho nhẹ nhưng lại không muốn nghĩ đến những câu chuyện buồn được kể trong đó, muốn quên đi những gian khổ không thể tưởng tượng nổi mà các em đã chịu đựng. Nhưng không thể không viết khi trong đầu có quá nhiều suy nghĩ phải không?
Bức tranh mở đầu cuốn tiểu thuyết là một cảnh sắc tươi mới, nhộn nhịp với nhiều tin thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau năm 1945 tại mặt trận Thừa Thiên. Bà con nô nức kéo về làng mạc với niềm tin quân Pháp sẽ bị quét khỏi nơi đây, hòa bình tự do được lặp lại trên mảnh đất quê hương của họ nhưng song song với đó, các chiến sĩ Việt Minh vẫn luôn đề cao cảnh giác và ra sức chuẩn bị cho những điềm xấu có thể sắp đến. Có nghĩa là cuộc chiến chưa kết thúc mà dường như chỉ là một bầu không khí lặng lẽ trước một cơn bão lớn sắp ập đến.
Cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" cũng bắt đầu bối cảnh đó để kể lại cuộc đời những chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn cho đến những năm tháng kháng chiến trường kì gian khổ nhất ở chiến trường Bình-Trị-Thiên khiến người đọc không khỏi xót xa nhưng cũng rất tự hào và cảm phục tinh thần chiến đấu của các em.
Phần 1: Câu chuyện của Mừng gia nhập Vệ Quốc Đoàn.
Được miêu tả là một cậu bé loắt choắt, nhỏ con, "da bọc xương" - một hình ảnh quen thuộc khiến mỗi chúng ta đều hình dung ra được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của em. Nhưng người ta sẽ không nhớ những chi tiết đó quá lâu bởi tính cách mới là những gì người đọc luôn nhớ về em.Em dành cho mẹ một tình yêu thương đặc biệt xen lẫn chút ngây thơ của đứa trẻ. Vì mong muốn chữa bệnh cho mẹ mà em đã bỏ nhà ra đi theo Vệ Quốc Đoàn, nơi có ngọn cây bút bút cao nhất, nơi duy nhất mà em không tìm cách trèo lên được. Rồi như số phận đưa đẩy, em được gặp và làm quan với nhiều bạn bè mới.
Phần 2: Hoạt động đầu tiên của các chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn
Pháp tăng cường quan chi viện đến Huế khiến cuộc chiến đấu bảo vệ còn khó khăn hơn vạn lần. Các chiến sĩ nhỏ tuổi theo từng tổ đội được phân công những công việc khác nhau. Đội của Mừng gồm có em, Vịnh sưa và Quỳnh sơn ca được các anh tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đường đến khu nhà của tên chỉ huy Pháp do Mừng đã quen các lối đi lại trong đêm tối. Nhưng em không thể ngờ rằng trong một đêm tối đó xảy ra biết bao nhiêu chuyện...Quỳnh sơn ca sinh ra trong một gia đình khá giả theo Tây đầy nhung lụa. Em được học đàn hát từ nhỏ với giọng ca trong trẻo, em được mọi người đặt cho biệt danh Sơn Ca. Trong một lần nghe các ca khúc cách mạng, em như được giác ngộ với lý tưởng của Đảng với bức tranh hào hùng tự hào dân tộc. Em về nhà và tập đàn hát những ca khúc đó nhưng ba em đã ngăn cấm, ca khúc của Việt Minh không được phép cất lên ở một gia đình theo Pháp như thế. Mặc dù vậy, em vẫn quyết tâm đi theo con đường em đã cho là đúng và bỏ nhà đi xin gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Tinh thần của em khiến cho chúng ta khâm phục: lì lợm, một chút quyết đoán và trên tất cả là một lòng yêu nước đi theo chính nghĩa của một cậu bé 12 tuổi.
Trước hôm nhận nhiệm vụ dẫn đường, Quỳnh sơn ca đã không may dẫm phải đã đâm vào lòng bàn chân và chảy rất nhiều máu, Mừng đã nhanh trí với những bài thuốc cầm máu học được đã giúp bạn băng bó vết thương và cũng do bạn năn nỉ nên em cũng không báo cáo lại các anh để Quỳnh được đi theo đội tối nay - nhiệm vụ đầu tiên mà các em rất háo hứng được tham gia cùng. Nhưng những ý nghĩ ngây thơ đó lại khiến các em gặp nhiều rắc rối. Quỳnh sơn ca đã bị tụt lại phía sau do cái chân mỗi lúc một đau, em phải cố gắng chịu đau để đi bình thường và bắt kịp đồng đội của mình phía trên. Trong khi hôm đó lại là một hôm mưa dầm, đất đai đầy bùn nhão. Sức chịu đựng của em là phi thường đối với một cậu bé thiếu niên nhưng không phải là không có giới hạn. Và Vịnh sưa được cử quay lại để tìm Quỳnh sơn ca sau khi cả đội phát hiện em không còn đi theo đội nữa. Mừng còn phải dẫn đường cho đội nên em không thể quay lại được, điều này càng khiến em bứt rứt. Những người lính nhỏ của của chúng ta tuy mới gặp nhau quen nhau nhưng tình cảm thương mến nhau như những người anh em trong nhà.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào với đôi chân bị thương mà phải vẫn bì bõm qua những quãng bùn lầy giữa một đêm mưa lạnh lẽo, tiếng súng, tiếng bom rền rĩ cả vùng trời. Hay bạn bị lạc một thành viên gia đình trong một đêm như vậy? Vậy mà các bạn trẻ đã trải qua một đêm như thế, một đêm định mệnh mà dấu ấn của nó sâu đậm khiến các em không bao giờ quên trong con đường cách mạng của mình.
Vịnh sưa- hình ảnh cậu bé loắt choắt cheo leo trên nóc nhà kho đạn tây, đánh tín hiệu cho đồng đội.
Mấy ai gan dạ và nhanh nhẹn như em? Một mình len lỏi trong căn cứ địa của địch mà vẫn cố tìm cách báo tín hiệu cho đồng đội. Một mình tự nghĩ cách làm cờ hiệu hai màu đỏ trắng.
Cậu bé nhỏ nhắn hy sinh anh dũng trên mảnh đất Thừa Thiên đầy bom đạn đã như một kim chỉ nam cho cả Vệ Quốc Đoàn.
Phần 3: Câu chuyện đời sống sinh hoạt tại chiến khu
Cuộc chiến càng khốc liệt và căn cứ cách mạng phải rút về chiến khu. Đọc truyện chúng ta như cảm nhận được từng hơi thở của cuộc chiến tranh khốc liệt này.
Mọi người thường nói miền Trung chiến tranh ác lắm, nhưng mấy ai hiểu được cái khó cái tàn khốc của cuộc chiến này nếu như không nhờ những cây bút của nhà văn kể lại.
Cái đói, bệnh tật luôn đồng hành với các chiến sĩ. Những cuộc tiếp tế của đồng bào trên chiến khu đầy gian nan và nguy hiểm khi quân địch luôn luôn rình rập và triệt tiêu.
Nhưng trong những năm tháng gian khổ đó, hình ảnh cậu bé Quỳnh sơn ca như mang một bầu trời đầy khát vọng đến cho mọi người. Những tiếng hát, những ca khúc của em đều khiến mọi người cảm thấy bình yên quên đi mọi nỗi khó khăn. Có khi lại hừng hực khí thế chiến đấu, giữ vững niềm tin về một cuộc sống tự do.
Phần 4: Câu chuyện về Lượm
Lượm nổi bật như một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, cách mạng "con nhà nòi". Câu chuyện về Lượm gắn liền với tù gông vì em bị bắt trong khi đang làm liên lạc mật. Nhưng không vì thế mà em mất khi cái khí chất hiên ngang của người chiến sĩ, không chịu khuất phục hay đầu hàng trước roi vọt hay các lời nịch bợ béo bở.
Sự gan dạ, thông minh và tinh quái. Tính toán từng bước một của em đều khiến chúng ta nể phục.
Như đã đề cập ở trên, câu chuyện của Lượm gắn liền với tù đày. Trong tù còn có cả những người lao động chân chính và cả những người dân hiền lành chất phác. Vậy mà họ bị vào tù vì những nghi ngờ của lũ sở mật thám.
Cuộc sống trong tù còn tù túng và thiếu thốn hơn ở chiến khu nhiều. Nhiều khi đọc những đoạn văn miêu tả chân thật nhà tù toàn người với người, hôi thối không ai dọn mà mình còn thấy sởn gai ốc nữa là người trong cuộc? Những câu chuyện thường ngày trong phim ảnh cũng xuất hiện ở đây như sự tụ tập của đám côn đồ nhưng đã giác ngộ và cảnh tỉnh nhờ những bài học của Lượm. Có nhân vật tính tỉnh tưng tửng như thằng "điên"nhưng lại luôn là người cứu giúp chú bé Lượm kịp thời.
Trong phần này không những chỉ có hình ảnh về Lượm - đại diện cho các chiến sĩ cách mạng mà còn có Thúi - em bé bán kẹo lạc không may rơi vào vòng lao cùng với Lượm. Tuy không lanh lợi nhưng em lại là người hiền lành, tháo vát tay chân và là người bạn của Lượm.
Và cũng trong phần này xuất hiện những nhân vật phản diện khai mang.
Phần 5: Trở về cuộc sống của Mừng - Bi kịch của chiến sĩ nhỏ tuổi
Mừng dường như hiện lên là một cậu bé nhỏ nhắn nhanh nhẹn, đen nhẻm nhưng em luôn có niềm tin vào cách mạng vì ở đó em được mọi người yêu thương đùm bọc. Cho đến khi do một vài mánh khóe của Việt Gian mà em đã trở thành tội đồ và bị mọi người nghi ngờ.
Những trang cuối của tiểu thuyết là những trang đau lòng nhất.
Mừng có thể sống khác nếu em hành động khác đi. Nhưng như cuộc sống hiện tại, chẳng ai có thể nói trước được điều gì. Chúng ta càng quá cẩn thận, chúng ta lại rất dễ bị lừa mà hiền lành quá cũng khó có thể bảo về mình trước sự dèm pha của cái xấu.
Hình ảnh hy sinh của Mừng cũng bi tráng như hình ảnh Vịnh sưa vậy. Em bám trụ trên đài quan sát mặc cho mưa đạn như trút, súng nã vào liên tục để cắt đứt liên lạc của đài với đội dàn binh ở mắt đất.
Vì em cũng hiêu rằng thông tin trong một cuộc chiến là vô cùng quý giá, nó đáng giá mạng sống mà em đang muốn rũ bỏ...
Nhận xét
Đăng nhận xét