Review: Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối
Tác giả: Patrick ModianoDịch giả: Trần Bạch Lan
Một chiều lang thang ở hiệu sách, tôi chủ động tìm một cuốn truyện nói về tuổi trẻ cũng không hẳn là những cuốn hạt giống tâm hồn mà tôi muốn cảm giác chân thực nhất của lứa tuổi bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống, những người ở độ tuổi này dường như đều cảm thấy mình được trưởng thành lần thứ hai trong đời người. Và cuốn truyện "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối" thật đáng để tôi đang tìm kiếm hàng giờ ở hiệu sách.
Cầm lên lựa xuống không biết bao cuốn vì chủ đề không mấy hấp dẫn tôi: tình cảm gia đình - tôi đã đọc được kha khá cuốn, cuộc sống của người khuyết tật - thực sự không cuốn hút tôi mấy, những cuốn về tình yêu - những cuốn sách đó đều xoanh quanh chủ đề này quá sâu và là cốt truyện chính, nhưng tôi đâu muốn đọc những gì điên cuồng hơn, liên quan đến tư tưởng tự do của tuổi trẻ hơn vì dạo này khá stress nên muốn điên thêm chút. Và trong khi đang mê mẩn những cuốn sách về Paris thơ mộng, cảm giác mông lung về những buổi tối Paris kỳ ảo trong phim "Midnight in Paris" thì tôi đã tìm được một cuốn khá ưng ý "Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối".
Mở đầu cuốn sách là bối cảnh tại quán cà phê Le Condé nơi tụ tập những người trẻ với lối sống khá tự do, thoải mái. Lời kể là một anh sinh viên trường Mỏ nhưng anh luôn tìm đến quán như một nơi giải sầu, bỏ đi lo nghĩ về việc trường lớp. Và dần những con người trong quán cà phê hiện ra qua những ký ức của anh chàng này, có thể vì đó là ký ức nên những hình ảnh có phần lộn xộn, thời gian không đồng nhất nhưng đó lại là điểm cuốn hút của cuốn sách.
Người đọc không khỏi bất ngờ khi ngôi kể bị đổi sang một nhân vật khác. Những uẩn khúc mà nhân vật trước chưa tìm được có thể được vén màn sau những câu chuyện chính nhân vật mới này trải nghiệm. Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi bí ẩn về cô gái - khiến cho chàng trai tại quán cà phê chú ý dần hé lộ. Như một câu chuyện trinh thám mà người kể đi từ kết quả trước, sau đó mới bắt đầu tới nguyên nhân. Người đọc cũng bị cuốn hút theo mạch kể đó: vì sao cô gái lại bỏ nhà ra đi, vì sao cô ấy lại lấy chồng sớm đến thế, cô ấy có hạnh phúc không? Và rồi bức tranh dường như lại bị bỏ sót giai đoạn, đó là khoảng thời gian khi anh tìm được tung tích cô gái nhưng lại quyết định sẽ để cô sống cuộc sống của riêng cô.
Và nhân vật chính đã xuất hiện kể lại câu chuyện của mình, quá khứ liều lĩnh của cô đan xen những suy nghĩ mông lung về thực tại, tương lai, cuộc sống. Đó cũng là những vấn đề dễ hiểu ở tuối mới lớn khi chưa đủ 18. Hình ảnh một cô gái khép kín, không bạn bè, và thiếu thốn tình cảm gia đình kiến cô cảm thấy mơ hồ về mọi thứ xung quanh. Cô bắt đầu khám phá Paris với những buổi đêm ồn ào ở quán cà phê - nơi tụ tập của nhiều tay chơi, rượu, thuốc lá và những cuộc vui thâu đêm.
Cô đã vùng vẫy thoát ra nhưng dường như quá khứ không mấy tốt đẹp đó vẫn luôn dai dẳng bên cô, và người bạn đã lôi cô vào con đường đó luôn theo chân cô gái bất cứ nơi đâu.
Tiếp đến là lời kể của nhân vật Roland, có lẽ anh chính là người mang lại cho cô gái niềm vui sau những chuỗi ngày u tối. Anh hiểu cô muốn gì, cô mong đợi gì và là người luôn dẫn dắt cô đi trên những con phố Paris đẹp đến thơ mộng. Anh che chở và là chỗ dựa cho cô mỗi khi cô cảm thấy sợ hãi, yếu đuối. Anh- một người mang trên mình những hiểu biết triết học, đang tìm cho mình định nghĩa của "Quy hồi vĩnh cửu" và giờ sau bao năm, anh đã tìm được cho mình những lý giải thông qua trải nghiệm của mình: đó là những cảm xúc, những đau buồn, những mảnh vỡ ký ức hằn lại trong anh hình ảnh của cô gái ấy - Louki hay một cái tên thực hơn Jacqueline .
Quả thật cuốn sách là những mảng ký ức vỡ vụn mà người đọc đang cố nhặt nhạnh từng chút một. Nếu bạn đọc cuốn sách không thực sự tập trung có lẽ bạn sẽ cảm thấy khó hiểu và rời rạc. Nhưng tôi lại thấy nó thật thân thuộc, những ký ức sau 2-3 năm liệu chúng ta có thể nhớ được liền mạch và chi tiết? Những gì xảy ra với ta cách đây 2-3 năm mà ta luôn đặt câu hỏi tại sao liệu có còn quan trọng?
Câu truyện lúc đưa ta về thực tại rồi lại mang trở lại với quá khứ, lúc theo mạch thời gian trôi hay bất chợt người kể nhớ ra một mẩu truyện nào đó. Và kể cả những suy nghĩ của bản thân nhân vật được xen kẽ cho ta cảm giác vừa thân thuộc, vừa lạ lẫm khi đọc truyện. Nhưng hãy cứ đọc theo một cách "bohemia" nhất, tự do, phóng khoáng nhất, ta sẽ thấy điều đó thật đẹp: nỗi nhớ là những ánh pha lê buồn. Trong những dòng văn, có khi ta tìm được một cảm giác đồng điệu, đó là khi ta thấy bấp bênh hay chơi vơi với cuộc sống và ta lại muốn hòa vào một nơi hư vô, như đi bộ giữa những con phố vắng của Paris lúc nửa đêm, hay đơn giản là tìm kiếm những người bạn mới cũng đóng những chiếc hộp quá khứ và bỏ quên đâu đó trong quán cà phê La Condé...
Nhận xét
Đăng nhận xét