Chuyển đến nội dung chính

[BOOK REVIEW] NGƯỜI ĐUA DIỀU - Khaled Hosseini "Cố lên. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại"

Book review: Người đua diều - Khaled Hosseini


Gấp lại cuốn sách "Người đua diều" trên tay, tôi cảm thấy khá nhẹ nhõm vì được thấy hình ảnh những chiếc diều bay cao hiện lên, tung bay trong gió, trong hòa bình...Đó có thể là hiện thực bạn đang được sống, nhưng trái lại, đó lại là một ước mơ lớn lao của bao người dân đang sống trong chiến tranh. Họ khao khát có hòa bình, có "tuổi thơ".

Câu chuyện được kể bởi Amir trong một ngày mùa đông năm 2001, hình ảnh cánh diều làm cậu nghĩ về quá khứ đầy tội lỗi của mình và cậu bạn thân Hassan.

Amir - một cậu ấm yếu đuối nhưng mê văn chương, trái ngược với hình ảnh bố cậu - Baba- người đàn ông to khỏe lực lưỡng, do vậy mà cậu thường bị ông khiển trách về cái gọi là sức mạnh đấng "nam nhi". Sống cùng với gia đình Amir là hai bố con người hầu: ông Ali và Hassan. Ông Ali rất tốt và đã sống với Baba từ lâu, Hassan sinh ra vào một ngày mùa đông năm 1964 kém Amir đúng tròn 1 tuổi và cả hai đã cùng chung bầu sữa mẹ. Dường như số mệnh sắp đặt hai đứa trẻ với nhau khi chúng đều chung hoàn cảnh thiếu thốn tình mẹ từ bé, vì thế mà tuổi thơ của Amir và Hassan luôn là hình ảnh hai hình bóng tung tăng dạo chơi trên đồi, cùng nhau ngồi vắt vẻo trên tán cây, cùng nhau hái quả lựu chín đỏ mọng và chơi đùa, cùng nhau chạy đua với những cánh diều chao lượn. Tuy vậy, Hassan trái ngược với Amir, cậu khỏe mạnh và gan dạ, luôn bảo vệ Amir khỏi đám bạn to lớn bắt nạt chỉ bằng chiếc súng cao su của mình "Vì cậu, cả ngàn lần rồi" - hình ảnh Hassan hiện lên như một người bạn trung thành, lạc quan - chiếm trọn lấy tuổi thơ Amir. Tất nhiên Amir được đi học còn Hassan thì không, vì vậy mà Amir thường kể những câu chuyện mình đọc được từ một cuốn sách nào đó trong thư viện của mẹ cậu cho Hassan nghe, sự ngây ngô của Hassan về ngữ nghĩa khiến Amir nhiều lần trêu trọc bạn - và mặc dù vậy Hassan vẫn luôn tươi cười, vì đối với cậu, Amir như một người khai sáng, mang Hassan đến một thế giới mới như trận chiến của các vị siêu anh hùng, một thế giới nơi người tốt luôn chiến thắng, công lý được bảo vệ...những câu chuyện đó khiến Hassan thích thú hơn bao giờ hết.

Baba có một người bạn làm ăn thân thiết là chú Rahim Khan, chú thường để ý tới Amir và động viện cậu viết truyện. Amir biết ơn và quý chú nhiều hơn cả Baba vì Baba không ủng hộ cậu như chú, không thường lắng nghe cậu như chú Rahim. Có một kỷ vật mà Amir đã nâng niu rất nhiều đó là cuốn số bọc da - quà tặng của chú Rahim nhân dịp sinh nhật cậu, và đó cũng là nơi cậu nuôi mầm ước mơ trở thành nhà văn bằng những mẩu truyện được ghi chép cẩn thận trong đó.

Câu chuyện sẽ lặng lẵng tiếp diễn thật đẹp nếu không có những biến cố xảy ra. Tại sao mà hình ảnh cánh diều lại khắc sâu trong ý nghĩ của Amir đến vậy. Hình ảnh cánh diều chao lượn như là một bộ phim đối với Amir, nó bao gồm những hình ảnh tươi vui nhất và cũng đen tối nhất cuộc đời cậu. 

Vào một ngày mùa đông năm 1975, trận chung kết đua diều diễn ra. Những đứa trẻ ở Kabul thường rất khoái đua diều, Amir và Hassan cũng vậy, họ là một đội. Những chiếc diều có dây dù có đính thủy tinh sắc để có thể cắt đứt dây đối phương, bay chao lượn trên bầu trời xanh cao đẹp đẽ kia, sẽ được điều khiển bởi những bàn tay bé nhỏ nhưng cũng chai sạm, rỉ máu vì vết cứa của dây. Đó là điều hết sức bình thường với một "vận động viên" đua diều, những vết thương đã trở thành niềm hạnh phúc khi diều của Amir và Hassan cắt đứt được chiếc diều cuối cùng trong trận chung kết. Nhiệm vụ duy nhất nữa là chạy theo và giành lấy chiếc diều bị đứt - trách nhiệm đó được trao lại cho Hassan - người đua diều rất giỏi, cậu thường dễ dàng đoán biết được nơi chiếc diều sẽ rơi xuống và khiến người khác phải trầm trồ kinh ngạc vì tài năng này của cậu. Lần này là ngoại lệ? Amir đợi mãi mà chưa thấy Hassan về, trời đã gần xẩm tối, mặc dù mọi người vẫn tung hô nhà cậu là nhà vô địch nhưng cậu không khỏi thắc mắc về Hassan. Trời tối và tuyết sắp rơi, cậu bổ nhào đi tìm Hassan hết mọi ngóc ngách trong khu Kabul, và cậu đã thấy Hassan trong một con hẻm tối. Nhưng không phải là một Hassan khỏe mạnh, cậu chứng kiến lũ đầu gấu hành hạ Hassan ngay trước mắt. Quá hoảng sợ, mọi suy nghĩ đều hỗn loạn trong đầu Amir và trong giây phút đó, sự sợ hãi và nhu nhược khiến cậu đã lựa chọn quay đi. Đó là một tội lỗi đen tối và hình ảnh đó ám ảnh Amir mãi mãi về sau này, thi thoảng cậu lại mơ thấy Hassan với những giọt máu đỏ trên nền tuyết trắng...tay nắm chặt chiếc diều màu xanh...

Trong những ngày sau đó Amir tránh mặt Hassan, cậu cảm thấy có lỗi và việc chạm mặt Hassan như mũi kim đâm thêm vào lòng cậu. Hassan rất buồn và cũng có lẽ cậu hiểu vì sao cậu chủ của mình hành động như vậy, nhưng mỗi khi Hassan tiến lại với Amir thì Amir lại càng tránh xa cậu hơn. Biết không thể sống mãi như thế này, Amir đã dùng thủ đoạn mánh khóe của mình để bác Ali và Hassan phải rời đi. Và tất nhiên cậu cũng chẳng thể vui vẻ khi tội lỗi lại lớn thêm từng ngày. Hình ảnh bác Ali và Hassan dọn đồ đi trong một đêm mưa rào mãi ám ảnh cậu. Những tội lỗi mà Amir gây ra cậu tự nhủ sẽ chôn giấu và để mặc theo thời gian.

Rồi những ngày hòa bình ở Afghanistan trở thành quá khứ khi quân Shorawi - quân đội Nga tràn vào và chiếm đóng, trong đó có Kabul - điều này khiến cho người dân nơi đây có một sự căm ghét sâu sắc với người Nga, Baba của Amir sau này cũng không chịu chữa bệnh khi ông biết người bác sĩ đó là một người gốc Nga. Hai cha con Amir rời Khabul đến Peshawar - biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, sau này khi chiến tranh càng khốc liệt, nhiều người cũng từ Afghanistan chạy sang Pakistan để trú ẩn khiến tình hình chính trị vùng Trung Đông một phần càng hỗn loạn.

Amir và Baba đến Mỹ, họ sống tại Fremont, Cali từ những năm 80s, nơi họ gặp vô vàn khó khăn để kiếm sống và sống sót qua ngày, di chuyển nơi sống nhiều lần. Từ một người giàu có ở Khabul, giờ đây họ phải sống cuộc sống mưu sinh từng ngày. Baba kiếm được một công việc ở trạm xăng và cái nhìn nhạy bén của ông trong lĩnh vực kinh doanh khiến ông và Amir có cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn đầy đủ điều kiện căn bản. Amir quyết định đi theo nghiệp viết văn - điều đó khiến Baba không khỏi buồn lòng nhưng ông cũng chẳng phản đối. Đó có phải vì tình cảm cha con Amir đã được lấp đầy sau bao khó khăn tại Mỹ? Câu chuyện tiếp tục kể về cuộc sống của Amir tại Mỹ, rằng anh đã lấy một người vợ tốt - Soraya, tuy nhiên họ không thể có con- Amir tin rằng đó là một sự trừng phạt mà thượng đế dành cho cậu bởi quá khứ tội lỗi. Baba mắc ung thư phổi tuy nhiên ông đã chiến đấu kiên cường và từ chối mọi loại điều trị vì quá tốn kém. 

Qua những hình ảnh này ta có thể thấy người dân di cư khổ cực như thế nào. Họ chống trọi với bệnh tật, nguy hiểm, đánh cược mạng sống của mình về hòa bình, tự do, một nơi họ được an toàn, không có tiếng súng nổ, không có đạn pháo và không phải nơm nớp lo sợ liệu có quả tên lửa nào đi lạc vào chỗ mình hay không. Họ rời bỏ quê hương nhưng không có nghĩa họ quay lưng lại với quê hương mình, những cộng đồng người Afghanistan vẫn tụ tập và cố gắng giữ lại những phong tục nơi họ được sinh ra, những ý nghĩa văn hóa, những nề nếp phong tục vấn gìn giữ và có một điều họ luôn khao khát về một đất nước Afghanistan hòa bình và họ - điển hình nhân vật tướng Taheri - bố của Soraya - vẫn luôn mong ngày trở về để phục vụ cho đất nước.

Mùa hè năm 1988, 6 tháng trước khi quân đội Xô viết rút khỏi Afghanistan, Amir đã hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Vào mùa hè năm sau đó, 1989, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản, đó là một niềm vui lớn đối với Amir và cộng đồng người Afghanistan tại Mỹ nói chung nhưng tình hình chính trị thời điểm đó khiến niềm vui thực sự không trọn vẹn. Thời điểm đó quân Xô viết đã rút quân hết khỏi đất nước, tuy nhiên chính phủ bù nhìn của Xô viết lại giao tranh với quân đội của người Afghanistan nên dòng người lại ùn ùn kéo sang Pakistan tị nạn, năm đó cũng là năm chiến tranh lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ, sự kiện Thiên An Môn...

Tháng 6 năm 2001, Amir nhận được điện thoại của chú Rahim Khan và quyết định trở về Pakistan để gặp người chú thân thiết, cũng là một phần mong muốn chuộc lại lỗi lầm của mình. Câu nói của chú vẫn luôn vang vọng mãi kể cả khi Amir đã gác máy "Cố lên. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại". Và cậu cũng không ngờ rằng cậu sẽ được chứng kiến thành phố Kabul tan hoàng thế nào bởi chiến tranh khốc liệt.

Tìm và gặp chú Rahim Khan không khó, nhưng gặp chú cậu mới biết tới cuộc chiến khốc liệt tại Kabul thế nào. Chú đã ở lại trông nom ngôi nhà khi bố con Amir rời đi vì nghĩ rằng sự gián đoạn do chiến tranh chỉ là tạm thời. Một câu chuyện về chiến tranh vùng Trung Đông hiện ra ngay trước mắt thật đáng sợ. Khoảng giữa 1992 và 1996 là thời gian các bè phái xâu xé Kabul, chúng còn phá hủy Kabul hơn cả Showari: đạn lạc từ những tên bắn tỉa, lệnh giới nghiêm cấm người dân không được rời đi, đường phố thì quá nguy hiểm đến nỗi người dân phải đục tường để đi xuyên qua các dãy nhà, đường ngầm để trú ẩn và đi lại. Ngôi nhà trẻ mồ côi mà Baba dựng lên bị phá tan. Rồi khi Taliban tràn vào quét sạch quân Liên Minh, người dân đã vui mừng khôn xiết khi nghĩ rằng đó là dấu chấm cho chuỗi ngày mệt mỏi vì đạn pháo chiến tranh...Nhưng không phải vậy, đó là một dấu chấm sang chương mới trong cuốn sách về nỗi đau của Afghanistan...

Tôi đọc đến đoạn khi chú Rahim Khan ho ra máu khi hai người bắt đầu câu chuyện Taliban mà cảm giác như có gì đó nhói đau, một bức tranh đầy máu sẽ xuất hiện sao? Câu chuyện về Hassan như thế nào? Sự rối loạn của Trung Đông luôn là đề tài nóng - sự tàn bạo, khủng bố triền miên...Tôi tưởng tượng một bầu trời đen kịt bởi khói đạn, sự nguy hiểm và bất an khi nơm nớp lo sợ mỗi khi đi ra đường, nghĩ lại bản thân chúng ta thật may vì được sống trong hòa bình, được phát triển và được có Tuổi Thơ...

Hassan đã chuyển đến sống cùng chú Rahim trong một nỗ lực đi tìm của chú. Chú cần người săn sóc ngôi nhà của Baba cùng mình khi chú đã yếu dần và nỗi cô đơn trong căn nhà trống trải bủa vây. Hassan đã có gia đình và một đứa con trai, cậu đã học chữ và đọc được những mẩu chuyện ngày xưa cậu được nghe Amir Agha kể, trong số đó có nhân vật anh hùng Shorah - cậu lấy đó để đặt tên cho đứa con của mình khi thằng bé sinh ra vào một mùa đông khác năm 1990. Cuộc sống của Hassan đầy dãy những bất ngờ, cậu gặp lại mẹ của mình sau bao năm biệt tích và yêu thương bà bởi bà đã già và không ngừng sám hối về tội lỗi quá khứ cuộc đời mình. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại mà!. Đứa con của Shorah cũng rất tinh anh và cậu thường chơi đùa với con trai của mình như ngày xưa cậu cùng chơi với Amir vậy...

Nhưng hòa bình tự do vẫn chỉ là niềm mơ ước. Năm 1998, Taliban ban hành lệnh cấm thả diều và tàn sát tập thể người Hazara - một chủng tộc bị người Pastun kì thị. Hassan là người Hazara. Chú Rahim Khan, qua lời kể của hàng xóm, thuật lại bọn Taliban đã đổ lỗi về tội ăn cắp chiếm đoạt cho Hassan như thế nào khi chú vắng nhà sang Pakistan chữa bệnh, chúng lôi cậu ra khỏi nhà và bắn không thương tiếc, vợ cậu cũng chịu chung số phận, và chú cầu xin Amir đón cậu nhóc Shorah về Pakistan gửi cho một đôi vợ chồng từ thiện nuôi nấng, một nơi mà Shorah được an toàn. Amir còn được biết Hassan chính là đứa em cùng cha khác mẹ của mình - một sự thật được che dấu suốt gần 40 năm cuộc đời của Amir - cú sốc này khiến Amir choạng vạng. Shorah là đứa cháu ruột của mình? cậu nghĩ lại Baba đã phạm sai lầm và có tội với ông Ali như thế nào, và cậu cũng thế, liệu có cách nào để gỡ lại lỗi lầm này? bằng cách quay trở về Kabul nguy hiểm kia mặc cho cậu đang có một cuộc sống bình yên với người vợ tốt bên Mỹ? Cuộc đấu tranh tư tưởng của Amir diễn ra khiến cậu lại đứng trước sự lựa chọn như vào mùa đông năm 1975 nọ, nhưng giờ cậu biết rằng đó là sự sắp đặt của số phận, cậu phải gánh lấy trách nhiệm này, vì Hassan. Suốt bao năm dằn vặt cắn rứt lương tâm, những đêm mất ngủ hay mộng mị về tội lỗi quá khứ của mình khiến cậu quyết định trở lại Kabul lần nữa.

Giờ hình ảnh của Afghanistan sẽ hiện lên trong chính mắt Amir, một đứa con rời thành phố 20 năm, quay trở lại để kiếm tìm một sự vị tha. 20 năm khiến cậu không còn nhận ra một Kabul xinh đẹp trong tuổi thơ của cậu nữa mà thay vào đó là một đống đổ nát hoang tàn: những xác chết la liệt vì đói, vì bị bắn chết hay treo cổ tự vẫn...Afghanistan mà Amir chứng kiến không còn là một đất nước sống, những gì sống sót còn lại là những ngôi nhà sập xệ, rách nát...những đứa trẻ đói ăn, những cụ già ăn xin từng đồng, sự thiếu thốn, đói khát bệnh tật...đó là cuộc sống hay sao? Một nơi mà chỉ có người già, trẻ nhỏ và phụ nữ...Chen ngang những cuộc sống khốn khó như thế là hình ảnh những tên Taliban tay le le cầm súng ngồi chất đầy sau xe tải, râu quai nón rậm dài và ánh mắt đầy sắc khí. Ai cũng đều phải né ánh mắt này bởi đối với người dân ở đây, những tên Taliban là kẻ nắm quyền sinh sát trong tay.

Nhiệm vụ của Amir cho lần trở lại này đó là tìm Shorah, cuộc hành trình tìm kiếm khó khăn hơn khi cậu bé bị nhóm người Taliban mua từ nhà trẻ mồ côi (người hiệu trưởng ở đây đã phải bán trẻ em thì họ mới có tiền mua lương thực cho những đứa trẻ còn lại, cuộc sống thật trớ trêu!) Câu chuyện chân thực để giành lấy sự sống, sự tự do cho một đứa trẻ gắn liền với hành trình của Amir trong lần trở về này. Cậu chứng kiến quá nhiều sự chết chóc, mạng sống bị coi nhẹ bởi những tên Taliban máu lạnh. Cậu gặp lại Assef - tên đã làm nhục Hassan mùa đông năm đó, cũng là tên luôn bắt nạt cậu suốt thời niên thiếu mà Hassan luôn cố gắng chống lại để bảo vệ cậu. Amir đã đánh nhau và trọng thương với hắn, và kì diệu là người cứu sống Amir chính là cậu bé Shorah, bằng chính chiếc súng cao su của mình - giống như cha của cậu Hassan vậy, lòng dũng cảm từ Hassan vẫn luôn cháy mãi trong cậu bé Shorah. Amir dẫn Shorah rời khỏi Afghanistan và chữa trị tại Peshawar. Trong cuộc hành trình này của Amir không thể không nhắc tới người lái xe tốt bụng Farid, người hướng dẫn đường và đưa Amir an toàn khỏi Kabul. Tuy nhiên Peshawar cũng không phải nơi thiên đường gì khi người của Taliban mắt đầu tìm kiếm Amir. Chú Rahim Khan trước khi rời đi đã để lại một khoản tiền lớn cho Amir và số liên hệ với ông bà bên quỹ từ thiện kia nhưng Amir đã không liên lạc được, và trong danh bạ hay giấy tờ cũng hoàn toàn không có. Amir quyết định đem cậu bé đi theo, mặc dù vẫn chưa thể chữa trị xong nhưng cậu vẫn phải rời đến Islamabad. Ở đây an toàn hơn và thành phố cũng lớn hơn, cậu dưỡng thương và tìm đến đại sứ quán để xin nhận nuôi Shorah, nhưng khó khăn tiếp diễn khi Shorah không hề có giấy tờ gì trên người vì thế thủ tục không thể hoàn thành. Amir kể với vợ hết mọi chuyện và khó khăn hiện tại, cậu cũng đã tìm luật sư nhưng chẳng mấy tiến triển. Có một cách là để Shorah tại trại mồ côi một thời gian nhưng nơi đó ám ảnh Shorah như một địa ngục trần gian. Cậu bé khốn khổ, cậu không có mấy tuổi thơ, và phần lớn chứng kiến sự chết chóc. Cậu chứng kiến Taliban giết cha mẹ mình, những cảnh bạo lực, những sự quấy rối khiến đứa trẻ như Shorah chỉ khao khát được tự do, hòa bình. Cậu ước được trở về ngày xưa, lúc chiến tranh tạm lắng - và cậu cùng cha mình - Hassan đi thả diều vào những ngày mùa đông đẹp đẽ. Nhưng Amir không thể làm điều đó được, cậu biết cách duy nhất để đem lại hạnh phúc cho Shorah là đem thằng bé đến nước Mỹ, nơi có hòa bình, có sự tự do...

Shorah còn quá bé để đối mặt với những mất mát và hậu quả chiến tranh, nhưng cậu đã chứng kiến hết điều đó. Khi nhận ra sự khó khăn của Amir khi đưa cậu sang Mỹ, cũng như sợ hãi khi nghe đến việc quay trở lại trại mồ côi lần nữa, cậu đã tự sát - ngay trước khi Amir có thể thông báo cho cậu biết tin vui là có cách để Shorah sang Mỹ mà không cần thêm đau khổ nào nữa.

Những thông tin và giá trị của tác phẩm có khi tôi chưa khai thác hết, nhưng những gì tác phẩm này - một cuốn sách kể về câu chuyện gắn liền với những cột mốc chính trị lịch sử nhưng đầy lôi cuốn, hấp dẫn đã mang đến cho tôi nhiều khía cạnh về ý nghĩa và hình ảnh mà tôi tin sẽ mãi in đậm trong tâm trí người đọc.

Đó là hình ảnh về một tội ác của chiến tranh, khủng bố, sự tàn bạo mà người dân nghèo khổ phải gánh chịu. Sự bế tắc, tuyệt vọng mà một đứa trẻ Afghanistan cảm nhận được, nhưng ngoài đó còn bao nhiêu con người nữa, đó là cả một thế hệ trẻ em KHÔNG CÓ TUỔI THƠ của một đất nước, ai sẽ chịu trách nhiệm cho vẫn đề này? Sự đấu tranh giành giật lấy hòa bình vẫn mãi tiếp diễn...cho tới tận bây giờ.

Đó là hình ảnh những phong tục tập quán của người dân Afghanistan với những lễ hội và món ăn truyền thống: bánh naan, đơn vị tiền tệ Afghani, tên gọi thân thiện họ thường thêm đuôi -jan, hoặc ngài ( kính trọng) là - agha, món qurma- súp rau hầm truyền thống, bánh bao Mantu hay Pakora ( món gà rán truyền thống Ấn Độ) món cừu kabob và cả phong tục uống trà hay lễ thành hôn truyền thống nữa.

Đó là hình ảnh cuộc sống của những người dân di cư do chiến tranh như tôi đã nhắc ở trên, họ là những người khốn khó. Một bức tranh về những con người đánh cược mạng sống cho giấc mơ hòa bình. Nạn di cư sang các nước châu Âu gần đây cũng là một đề tài nóng, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh xã hội và cũng cần giúp đỡ họ để có một cuộc sống bình yên, tuy nhiên thực sự vấn đề cực kì phức tạp.

Bên cạnh đó là tình yêu, tình cha-con, tình bạn được tác giả lồng ghép khéo léo, cuộc sống tuy không cần no đủ nhưng họ dựa vào nhau để có thể sống và đi tiếp quãng đường bên người mình yêu thương. Một câu chuyện sâu sắc về tình cảm gia đình, sự phản bội, chuộc lỗi và tình máu rủ ruột thịt. Tất cả đều được tác giả dẫn dắt, trói buộc bằng một sợi dây vô hình trong tác phẩm.

Đoạn kết tôi sẽ tiết lộ sau đây, sẽ là một đoạn kết sẽ khiến bạn thở phào vì Shorah có một trái tim mạnh mẽ, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho cậu cùng trái tim đó. Cậu trở về Mỹ với Amir với sự chào đón nồng hậu của Soraya. Nhưng Shorah chẳng hề nói câu gì từ dạo đó, bất chấp mọi nỗ lực của vợ chồng Amir. Một năm sau, năm 2002, vào một ngày lễ năm mới truyền thống của người Afghanistan, những cánh diều chợt vụt bay trên nền trời trong xanh, Amir đua diều như cách cậu đã chơi cùng với Hassan, những cánh diều tự do bay trong gió, nhẹ nhàng, bình yên...Shorah đã mỉm cười với ánh mắt tràn đầy thích thú, Amir vui không kể xiết bởi sau ngần ấy năm, giờ đây nụ cười của Shorah và cánh diều bay phấp phới mới khiến Amir hạnh phúc đến thế, hạnh phúc khi những tội lỗi được chuộc lại, vì điều tốt lành đã trở lại với Shorah và chính Amir. Cậu dùng thuật của Hassan cắt một cánh diều nọ và chạy cùng đám trẻ nhỏ : "Một người đàn ông cùng một lũ trẻ con đang le hét chạy đua.[...] và một nụ cười nở rộng như thung lũng Panjsher trên đôi môi tôi. Tôi chạy"


20h05 ngày 25 tháng 4 năm 2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[BOOK REVIEW] THÁNH GIÁ RỖNG - HIGASHINO KEIGO

Review: Thánh Giá Rỗng Tác giả: Higashino Keigo Dịch giả: Nguyễn Hải Hà Nhà phát hành: Skynovel + NXB Văn học (Có Spoiler) Thánh giá rỗng Mở đầu Nếu bạn là một người thích đọc truyện trinh thám chắc chắn không thể bỏ qua các tác phẩm của Higashino Keigo - một tác gia người Nhật Bản. Tuy "Thánh giá rỗng" không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất nhưng lại là tác phẩm đầu tiên của Keigo mà mình đọc vì vậy có thể nói, "Thánh giá rỗng" để lại một ấn tượng tốt trong mình: một tác phẩm trinh thám nhưng lồng ghép nhiều vấn đề xã hội, sự công bằng liệu có tồn tại hay câu hỏi đặt ra luôn luôn để ngỏ cho mỗi độc giả. Và có một điều chắc chắn là mình sẽ tìm đọc những tác phẩm khác của Keigo trong một tương lai gần. Mình biết đến tác phẩm rất tình cờ. Công ty đặt cuốn sách này trong danh sách mua sách hàng tháng. Khi cầm quyển sách trên tay, điều đầu tiên mình rất thích đó là quyển sách tuy dày nhưng lại khá nhẹ, bìa và chất liệu in của Skybook thì đẹp khỏi bàn và c

[Chia sẻ] Kinh nghiệm thi bằng lái xe ô tô B2 tại HVCS Nhân Dân - Hà Nội

Xin chào tất cả các bạn đang đọc bài viết này, chắc hẳn các bạn cũng đang chuẩn bị bước vào kỳ thi sát hạch bằng lái xe ô tô hạng B2 đúng không ạ? Vậy mình sẽ không chần chừ thêm chút nào thời gian của các bạn để chia sẻ luôn những kinh nghiệm học và thi của mình nhé! 1. B1 hay B2? Dành cho các bạn đang lăn tăn nên thi B1 hay B2, đối với mình thì mình thi B2 vì người nhà mình có xe số sàn nên mình muốn thi B2 (mặc dù có thể không đi xe đó bao giờ). Còn nếu bạn xác định chỉ học để đi xe số tự động và không hành nghề lái xe thì có thể thi B1 nhé. 2. Kinh nghiệm ôn lý thuyết + Nếu bạn muốn không cầm điện thoại khi học lý thuyết (sợ mất tập trung, mỏi mắt), có thể mua cuốn sách bộ 600 câu về làm + tờ giấy tổng hợp biển báo dán lên tường thi thoảng nghía qua. Còn nếu tiện nhất thì tải app trên app store nha các bạn. + Một số app mình dùng và cách học của mình:  Mình tải 2 app này về và học theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn 1: trước khi thi thử 1 ngày : đọc hết 600 câu. Chọn app đầu tiên

[BOOK REVIEW] FRANKENSTEIN - MARY SHELLY

Review: Frankenstein Tác giả Mary Shelly Dịch giả: Lê Nguyệt Áng NXB Văn Học - Nhã Nam phát hành. Nơi mua (tham khảo): Shopee Book https://shope.ee/Aqoy61lOS https://shope.ee/Aqoy61lOS https://shope.ee/Aqoy61lOS Mình biết đến Frankenstein bắt đầu từ phim ảnh. Không phải là một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm hay xây dựng xung quanh nhân vật trong truyện, mà là từ các bộ phim hoạt hình cho trẻ em. Giống như hồi bé mình hay bị doạ các mẹ mìn đáng sợ như thế nào, thì ở phương Tây, người ta lấy hình tượng quái vật Frankenstein - một tên xấu xí, trên da đầy vết khâu, to xác và gớm guốc để ám chỉ những người xấu xa, luôn reo rắc những điều đen tối. Thế vậy mà mãi đến khi đọc truyện, mình mới biết Frankenstein không phải là tên "kẻ khác người" đó, mà là tên nhà khoa học đã tạo ra, và bởi "nó" không được đặt tên nên người ta lấy luôn cái tên Frankenstein để gọi tên luôn chăng? Ở trong nguyên tác tiếng Anh, "nó" được gọi là Creature (sinh vật được tạo ra bởi