1) Chém theo ngành
Tác phẩm có cốt truyện kể về nhân vật Bát Lê- nổi tiếng là tên đao phủ với kiểu chém theo ngành và rất “ngọt” – đã được cho về nghỉ hưu nhưng vì sắp tới quan Tổng đốc có 12 tên tử tù, lại chót khoe với quan Công sứ (người Pháp) về tài nghệ của Bát Lê nên đã gọi ông lại và thực hiện nghi thức cuối cùng này. Bầu không khí của truyện có phần u uất, ngột ngạt với những hình ảnh từng thân cây chuối đổ rạp dưới lưỡi dao của Bát Lê, ông phải tập để chắc chắn không mắc sai sót nào. Cảnh ngày pháp trường cũng khá khẩm hơn
“Trời chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thì sáng hơn nền trời. Nền trời vẩn những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái lạ. Những bức tranh mây chó hạ thấp thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sáng gắt.”
Cốt truyện của tác phẩm không mấy rõ ràng, không mang nhiều ý nghĩa, chỉ là một sự việc rất nhỏ diễn ra và được miêu tả lại trên. Dù có vậy, tác giả cũng khiến cho người đọc cảm nhận được cái rối ren, bức bách trong lòng dân thời bấy giờ.
2) Những chiếc ấm đất
Câu chuyện kể về thú vui xa xỉ “Uống trà tàu”, vì thú vui này mà cụ Sáu đã khuynh gia bại sản
“ Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quí nhãn tiền không bằng một ấm trà Tàu”.
Khi thưởng thức trà tàu, cụ Sáu thường rất thích nói về trà, những câu chuyện của người khách thập thương nơi xa đến dừng chân thưởng thức trà Tàu, bình luận về ấm trà Thế Đức.
Sau đó gia đình cụ Sáu sa sút dần, cụ phải bán những chiếc ấm của mình đi nhưng cụ lại có cách bán rất hay. Mà dù có khó khăn nhưng cụ vẫn rất thích thưởng thức trà, thỉnh thoảng cụ xin được ít trà, cụ “ gói giấy dắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới lôi ra uống.” Đến mùa sen, cụ thỉnh thoảng lại bứt cành sen để ướp trà cho thơm.
3) Thả thơ
Nguyễn Tuân tiếp tục đề cập đến một trong những thú vui ngày xưa của các bậc ông cha.
Được người bạn thuyết phúc, cụ Nghè Móm quyết định đọc lại tập thơ nhất là những tập thơ cổ, tìm những câu thơ hay để đưa vào thả thơ. Tác giả đã khéo léo định nghĩa “thả thơ” qua lời cô Tú, con cụ Nghè, cô đã giảng cho mấy đứa nhỏ theo học cha rằng:
“Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng này một câu thơ thất ngôn mà chỉ… có sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy là một cái khuyên tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng […]. Bây giờ mới nói đến chữ thả […] Thường chỉ thả có năm chữ thôi”.
Và người chơi sẽ chọn một trong những chữ thả để thế vào chữ vòng
“trên đầu mẩu giấy con này, thầy viết cái chữ thả […]Rồi thầy cuộn tròn đầu giấy lại, giấu chữ ấy đi”
nếu trúng chữ thả ghi trên đầu mảnh giấy thì người đánh 1 quan sẽ được 3 quan tiền.
4) Đánh thơ
Câu chuyện kể về vợ chồng ông bà Phó sứ, đi khắp nơi tổ chức thả thơ.
“ Suốt một dải Trung kỳ, họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, ông Phó sứ lại mở một cái túi đựng toàn thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu bạc văn chương, Mộng Liên lại đàn, lại ca để làm vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này.” “ Quê hương của họ là Cờ bạc và Đờn hát. Nhà của đôi lưu đãng ấy gửi vào trong cái truy hoan của thiên hạ”
Người được, người mất đều rất nể phục cụ phó sứ về lối thả thơ, câu thơ được mọi người tấm tắc khen hay và bất ngờ. Thế nên, mọi người đều trông mong đôi trai tài gái sắc ấy quay trở lại nơi này…
5) Ngôi mả cũ
Câu chuyện kể về hai chị em cậu Chiêu nhờ cụ Hồ tìm mả cha mình, cụ Án, tuy vậy chuyện lại xoay quanh diễn biến tâm lý, những suy nghĩ cậu Chiêu về cụ Hồ hơn…
Đọc truyện này mình thích nhất đoạn cụ Hồ và cậu Chiêu đánh cờ tưởng với nhau, cờ tưởng đánh rất khó vì phải tưởng tượng quân cờ và thế nước đi. Sau khi soát lại quân của mỗi người, cụ Hồ nói với cậu Chiêu:
“ Người hào hùng bao giờ cũng vào ngay pháo đầu. Đánh cờ tức là người đấy. Rồi cậu cứ nghiệm mà xem, mười kẻ tầm thường, nhút nhát không khoáng đạt là có chín mười người nghểnh tượng ở nước đầu” “Nhất tốt độ hà, bán xa chi lực. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đắc thế.”
6) Hương cuội
Kể về một câu chuyện bình dị, cụ Kép và gia đình cụ đón tết Nguyên Đán. Cụ kép là một người chơi hoa, thưởng thức cái đẹp. Để chuẩn bị tết, cụ thường chăm chút cho những rổ hoa của mình được nở đúng vào dịp giao thừa. Hơn nữa thú vui vườn đào bầu rượu của cụ cùng các bạn đồng niên, cho ta cảm giác một vùng quê tao nhã, đẹp đẽ với những gam màu ấm áp tình người.
7) Chữ người tử tù
Đây là truyện được đưa vào chương trình học phổ thông do vậy nó khá quen thuộc với mỗi người chúng ta. Câu chuyện kể về một người tử tù tên là Huấn Cao, là một người trí thức trẻ có tư tưởng mới chống lại quân triều phong kiến, cũng là một người viết chữ rất đẹp…Ai ai cũng muốn ông cho chữ để treo trong nhà. Tên quản ngục được hay ông Huấn Cao sẽ chuyển tù do mình cai quản nên đã cố gắng tìm cách xin chữ ông Huấn Cao. Cảm phục trước tấm lòng đãi ngộ rộng lượng của quản tù, ông Huấn Cao đã đồng ý cho chữ ngay trong đêm trước ngày ra pháp hình.
Có thể thấy câu truyện đã đề cao cái đẹp, cái tính nghệ thuật cũng như lòng trân trọng từ một người nghệ sĩ :
“Ở đây lẫn lộn. Tôi khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn, rõ ràng như thế […] Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”
Ngục quan cảm phục trước những lời khuyên của ông Huấn cao mà nước mắt nghẹn ngào: “ Xin bái lĩnh”
8) Ném bút chì
Đây là câu chuyện có thể tháy rõ sự ngông cuồng của giới Giang hồ mà Lý Văn là một trong số đó. Lý Văn có món “Ném bút chì” mà nhát chém rất gọn, vừa sức. Bút chì ở đây là chí món đồ nghề làm bằng mai, một cán mai được buộc với dây thừng để có thể ném đi rồi giật lại.
Tuy nhiên sự ngông cuồng ấy không nhiều mối làm ăn và đang thất thu thế nên cả mấy hội mới tụ tập với nhau quyết liều mạng với “phen bạc” này.
9) Chén trà trong sương sớm
Câu chuyện kể về cụ Ấm, thường thường cụ dậy rất sớm, và trong tiết trời đông lạnh, cụ bắt đầu tỉ mỉ pha trà rồi nhâm nhi từ một đến 2 chén trà. Cụ có tài pha trà, cụ nhớ lại hồi xưa thầy thường chỉ cho cậu hầu hạ cũng bởi cậu pha trà hợp ý thầy. Và cứ thế, cụ vừa đợi nước sôi già, vừa chăm chút thả từng hòn than tàu vào lò và nghĩ về thời xưa.
Trong truyện ngắn này, những nét miêu tả của Nguyễn Tuân rất đẹp “ Những hòn than tàu cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè, vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc dao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chảy.”
10) Một cảnh thu muộn
Gia đình cậu Cử Hai, là cậu thứ nhưng cụ Thượng ngoài sáu mươi đã chọn sống chung với cậu vì cậu rất giống ông, thay vì về sống với ông huyện Thọ Xương – chính là cậu Cử cả.
Cậu Cử Hai trước đây là người thích đi đây đó dạy học, kiểu như đi thăm thú ngoại cảnh…chỗ nào cảnh sầu khiến cậu không thể ở lại lâu. Từ ngày cụ Thượng “nghiêm phụ về trí sĩ”, cậu Cử Hai ở riệt trong nhà không đi tha phương nữa.
Cậu có hai người con là Ngộ Lanh và đứa thứ hai là Tố Tâm. Cậu dành nhiều thời gian để chơi với con. Vào ngày trung thu, ở đây tác giả đã miêu tả cảnh cậu Cử Hai và cụ Thượng làm chiếc đèn xẻ rãnh, chiếc đèn đã “diễn một tích trong Truyện Ngô Việt Xuân Thu, lúc Phạm Lãi đem Tây Thi sang dâng Ngô Phù Sai”… đèn được làm rất công phu, tỉ mỉ và chính xác để câu chuyện được chạy liền mạch. Cậu Cử Hai còn làm đèn kéo quân và đèn Cù. Kép lại câu chuyện là cảnh cả gia đình ngồi phá cỗ với chiếc bánh dẻo Mặt trăng, hạnh phúc và đầy yêu thương.
11) Báo oán
Câu truyện kể về hai anh em Đẩu Xứ tài giỏi nọ, do trước đây gia đình có mắc sai lầm với cô Hầu gái nên khi đi thi cô đã báo oán, làm cho đau bụng mà ngất đi, do vậy mà người anh đã trượt kì thi khoa Ất Mão. Kì Mậu Ngọ này, kì thi cuối cùng được tổ chức, đến lượt người em đi thi, người anh không tham gia nữa nhưng trong lòng vẫn rất lo lắng, không biết người em có phải chịu chung số phận như mình không. Hai anh em lều chõng tập trung về phủ Nam định, nơi người anh gặp lại cô gái ở cửa hàng sách. Những lo lắng của người anh bị ám ảnh bởi cô hồn mà đến trong giấc mộng anh vẫn gặp.
Khi đọc câu truyện này, bạn sẽ thấy hồi hộp không biết chuyện gì sẽ xảy ra đến với người em, và cái nguồn gốc của sự việc như thế nào… Tuy vậy nguồn gốc không được tác giả đề cập đến ở đây mà chỉ nói sơ qua là cô hồn oan ức chuyện gì đó với gia đình hai anh em mà đã phải bỏ mạng. Còn người em cũng chịu chung số phận giống người anh khoa thi cách đây 3 năm.
12) Trên đỉnh non tản.
Câu chuyện có chút thần linh, kể về cuộc sống của dân cư làng Tràng Thôn quanh năm mưa lũ. Và câu chuyện của 6 người thợ mộc lên non Tản Viên để giúp thần Non Tản trùng tu lại đền Thượng. Đền Thượng nằm trên cao, cao nhất và là nơi có thể nhìn thấy toàn bộ kinh thành Thăng Long. Tuy vậy rất khó để trèo lên.
6 người thợ mộc kia được thần Non Tản gọi đi trùng tu nhưng khi về họ phải nuốt lá trúc nhọn đầu, hễ ai hé lời gì về đền Thượng sẽ bí lá trúc đâm ngang cổ mà lìa đời. Do vậy sau khi nghe tin một người đã đột nhiên chết, năm người còn lại hết sức sợ sệt. Một ngày kia thần Non tản lại cho gọi họ lần nữa. Lần này tác giả đã miêu tả cảnh bồng lai thần tiên trên đền Thượng với thức ăn ngon, rượu thơm có sẵn. Hiệp thợ cần mẫn làm qua ngày này đến ngày khác, tuy được hưởng cuộc sống nơi thần tiên nhưng họ vẫn lo lắng khi về với thực tại, khi tiếp tục phải nuốt thứ lá trúc nhọn đầu…
Câu chuyện như là một giấc mơ, mơ về một nơi bình yên, có đầy đủ vật chất, và họ cứ muốn đắm chìm mãi trong cảnh bồng lai ấy và không muốn thức dậy trong cái hiện thực nhá nhem của xã hội lúc bấy giờ…
Nhận xét
Đăng nhận xét